Bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại những căn phòng có diện tích lớn bởi sự tiện nghi, riêng tư và thoải mái mà thiết kế này mang lại cho người ở. Vậy thiết kế này có phải giải pháp tối ưu? Cần lưu ý những gì khi lựa chọn thiết kế này cho phòng ngủ của gia đình? Hãy cùng tìm hiểu và tham khảo trong bài viết dưới đây.
Tại sao thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ lại được ưa chuộng?
Phòng ngủ và nhà vệ sinh là hai trong số những khu vực chức năng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà. Việc kết hợp hai khu vực này trong cùng một không gian ngày càng trở nên phổ biến bởi những ưu điểm vượt trội sau:
Tiện ích khi sử dụng
Việc kết hợp hai mục đích sử dụng trong cùng một khu vực giúp quá trình sinh hoạt được diễn ra thuận tiện, dễ dàng, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Gia chủ sẽ không cần phải di chuyển từ phòng này sang phòng khác mà có thể vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh ngay trong cùng một không gian nhỏ gọn, khép kín.
Đảm bảo sự riêng tư
Thiết kế phòng ở khép kín mang đến cho người ở sự riêng tư, thoải mái trong quá trình nghỉ ngơi, vệ sinh. Với những gia đình đông người, đa thế hệ việc thiết kế nhà vệ sinh riêng trong mỗi phòng ngủ sẽ giúp các thành viên thoải mái khi sinh hoạt, hạn chế những mâu thuẫn khi có sự khác nhau giữa thói quen sử dụng và sở thích của mỗi người.
Vệ sinh đảm bảo
Nhờ việc hạn chế số người sử dụng khi giới hạn khu vực vệ sinh trong các phòng ngủ cá nhân, vệ sinh phòng ở sẽ thường xuyên được giữ gìn đảm bảo, hạn chế tình trạng bừa bãi, lộn xộn, không đúng ý muốn.
Phòng ngủ được bố trí nhà vệ sinh khép kín tạo không gian sinh hoạt riêng tư, thoải mái cho người ở.
Những hạn chế khi thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ
Dù được ưa chuộng và có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thiết kế hai phòng ở tách rời, tuy vậy, việc bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ vẫn tồn tại một số mặt hạn chế như sau:
Không gian nghỉ ngơi bị ảnh hưởng
Việc bố trí chung phòng có thể khiến cho bầu không gian nghỉ ngơi yên tĩnh bị phá vỡ bởi những tiếng động phát ra trong quá trình sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, do nằm trong cùng một khu vực khép kín, việc lưu mùi hay vương nước từ khu vực vệ sinh sang buồng ngủ là điều không thể tránh khỏi.
Không gian sinh hoạt bị hạn chế
Thiết kế “phòng kép” thường khiến cho không gian nghỉ ngơi, thư giãn bị thu hẹp, gây cảm giác chật chội, bí bách cho người ở. Vấn đề này thường xuyên xuất hiện tại những ngôi nhà vừa và nhỏ, nơi diện tích xây dựng luôn là vấn đề gây nên nhiều khó khăn cho gia chủ và đội ngũ KTS. Do đó kiểu thiết kế này phù hợp hơn với những không gian ngôi nhà rộng rãi để không làm ảnh hưởng đến chất lượng phòng ngủ.
Bố trí khu vực vệ sinh không hợp lý khiến không gian nghỉ ngơi trở nên chật hẹp, không thoải mái
Những lưu ý khi thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ
Tỷ lệ các khu vực sinh hoạt cân đối
Để đảm bảo không gian tốt nhất cho việc nghỉ ngơi, khu vực vệ sinh nên được thiết kế bằng khoảng 1/4 đến 1/3 diện tích phòng ngủ của gia chủ. Tỷ lệ này có thể được thay đổi tùy thuộc vào số người sử dụng và nhu cầu thực tế của từng gia đình. Tuy vậy, cũng không nên bố trí không gian vệ sinh quá lớn so với nơi nghỉ ngơi của gia đình.
Bố trí nhà vệ sinh hợp lý giúp phòng ngủ trở nên đẹp mắt, thoải mái và tiện nghi
Ngăn cách khu vực nghỉ ngơi và phòng vệ sinh
Việc đồng nhất hai khu vực trong cùng một không gian khép kín thường gây nên một số bất tiện phổ biến như: không gian ẩm ướt, phòng ở bị lưu mùi, mất riêng tư khi sinh hoạt,… Bởi vậy, việc ngăn cách nhà vệ sinh và phòng ngủ là điều cần thiết, góp phần đảm bảo sự riêng tư và thoải mái cho người ở trong quá trình sinh hoạt.
Tường gạch ngăn cách hai khu vực là thiết kế phổ biến nhất hiện nay. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các vật liệu khác như kính, gỗ, kim loại,… để làm vách ngăn.
Bố trí khu vực vệ sinh hợp lý
Nhà vệ sinh nên được đặt tại những góc phòng giúp tiết kiệm không gian sinh hoạt, đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng không đáng có đến việc nghỉ ngơi của con người. Mặt khác, do nằm bên trong phòng ngủ, được thiết kế nhằm tối ưu hóa sự riêng tư cho người ở, khu vực vệ sinh chỉ nên lựa chọn trang bị những đồ dùng thật sự cần thiết và phù hợp với nhu cầu cầu cá nhân, tránh lắp đặt bừa bãi gây tốn kém, lãng phí.
Nhà vệ sinh trong phòng ngủ được thiết kế đơn giản, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người ở.
Thiết kế không gian thông thoáng
Việc kết hợp nhiều mục đích sử dụng trong cùng một không gian có thể gây nên cảm giác bí bách, khó chịu cho người ở. Bởi vậy, để đảm bảo không gian sinh hoạt tối ưu nhất, hãy đảm bảo phòng ở của bạn luôn thông thoáng và mát mẻ bằng cách thiết kế thêm cửa sổ, ban công để không khí và gió trời được lưu thông tốt nhất.
Bố trí cửa sổ giúp không gian nghỉ ngơi, vệ sinh trở nên thông thoáng, mát mẻ và thoải mái
Trên đây là một số những ưu, nhược điểm và lưu ý khi của thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ. Từ đó có thể thấy, nếu không đảm bảo vấn đề diện tích và điều kiện thông thoáng thì thật khó để thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không gian nghỉ ngơi của gia chủ. Các gia chủ cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn thiết kế này, ngoài ra có thể tìm đến các kiến trúc sư, đơn vị thiết kế để có được những tư vấn phù hợp với hiện trạng của ngôi nhà. Happynest hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích, góp phần giúp các gia chủ lựa chọn được giải pháp thiết kế tối phù hợp cho ngôi nhà của mình.
YOUR COMMENT