Thiết kế phòng vệ sinh phù hợp với người cao tuổi

Những nghiên cứu về không gian sống của người cao tuổi đều cho thấy phòng vệ sinh, phòng tắm là nơi có mức độ an toàn thấp nhất trong nhà. Vì vậy để hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn, phòng vệ sinh cho người lớn tuổi phải được thiết kế theo những tiêu chuẩn nhất định.

Thiết kế phòng vệ sinh an toàn là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế những nguy cơ gây tai nạn ở người cao tuổi.

Những vấn đề người cao tuổi thường gặp phải khi sử dụng phòng vệ sinh

Người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị té ngã bởi chức năng vận động suy giảm, cơ xương khớp gặp vấn đề gây ra những hạn chế khi di chuyển, hoạt động. Té ngã có thể gây ra gãy xương, chấn thương sọ não, gãy đốt sống và xương sườn, tổn thương mô mềm… Nguy cơ ngã ở người cao tuổi tăng lên gấp 1,7 lần ở khu vực phòng vệ sinh không an toàn. Vậy, thế nào là một phòng vệ sinh không đảm bảo an toàn?

Bề mặt sàn trơn

Bề mặt trơn trượt là nguy cơ hàng đầu gây ra những tai nạn không đáng có đối với người cao tuổi khi sinh hoạt tại nhà. Trong đó phòng vệ sinh là nơi thường xuyên ẩm ướt, rất dễ xảy ra tình trạng này. Bởi vậy, tại những khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước, các gia đình không nên sử dụng gạch trơn bóng. 

Một nguyên nhân khác của tình trạng bề mặt sàn trơn là do thiết kế phòng tắm theo cách truyền thống, không phân chia khu vực khô – ướt khiến cho không gian này luôn trong tình trạng ẩm ướt, nhất là đối với các nhà ở chung cư, nhà phố, những hộ gia đình không thiết kế tốt vấn đề thông gió.

Lựa chọn, lắp đặt thiết bị vệ sinh không phù hợp

Thông thường khi thiết kế nhà ở, gia chủ có xu hướng mua thiết bị vệ sinh cho tất cả các phòng như nhau mà chưa tính đến việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thiết bị vệ sinh dành riêng cho người cao tuổi, hoặc sử dụng thiết bị thông thường, nhưng lắp đặt ở độ cao, khoảng cách không phù hợp với người già. Cụ thể:

– Bồn cầu: Do sự giảm cơ của người già nếu lắp đặt bồn cầu quá thấp khiến cho thao tác đứng lên – ngồi xuống gặp khó khăn. Ngoài ra với những người lớn tuổi sống một mình, khả năng vận động không tốt, việc vệ sinh cá nhân sẽ dễ gặp trở ngại.

– Chậu rửa mặt: Tương như vậy, chậu rửa mặt nếu chỉ đặt ở độ cao giống như dành cho người trẻ tuổi sẽ gây khó khăn khi sử dụng đối với người cao tuổi.

– Vòi chậu: Nhiều gia đình vẫn dùng vòi vặn xoay. Đây là loại vòi rất khó sử dụng cho người già.

Ngoài những yếu tố nêu trên, ánh sáng không đầy đủ, thiết bị công tắc để quá xa, diện tích phòng vệ sinh quá chật hoặc không có hệ thống tay vịn hỗ trợ khi đã quá yếu… cũng là những nguyên nhân gây ra sự mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi.

Giải pháp thiết kế phòng vệ sinh an toàn cho người cao tuổi

Thiết kế nhà vệ sinh an toàn là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tai nạn cho người cao tuổi. Theo đó, vị trí đặt phòng vệ sinh nên ở ngay bên trong hoặc bên cạnh phòng ngủ. Không gian phòng cũng cần đủ rộng để thuận tiện cho việc đi lại, di chuyển của người già. Đặc biệt phòng cần có sự thông thoáng, không bị ám mùi hôi. Tùy theo thực tế công trình mà bạn có thể lắp cửa sổ, hoặc hệ thống quạt thông gió.

Phòng vệ sinh cần có đầy đủ ánh sáng, các công tắc điện cần bố trí ở vị trí phù hợp để dễ dàng sử dụng. Cửa ra vào phòng vệ sinh của người cao tuổi cần rộng tối thiểu 80cm, dễ mở, nên chọn loại tay nắm gạt thay vì loại khóa cửa nắm đấm tròn.

Ngoài những yếu tố tổng quan trên, gia chủ cần lưu ý những điều sau:

Phân chia khu vực khô – ướt riêng biệt

Thiết kế phòng vệ sinh thành 2 khu vực khô – ướt riêng biệt, theo đó phần khô gồm lavabo, bồn cầu (thường được bố trí gần cửa) sẽ luôn được khô ráo, phục vụ cho các hoạt động như thay đồ, vệ sinh cá nhân,… Phần ướt (bồn tắm, vòi sen) thường xuyên tiếp xúc với nước được sử dụng để tắm, giặt,… 

Buồng tắm dành cho người cao tuổi cần rộng ít nhất 80cm và không nên lắp đặt bồn tắm đứng hoặc bồn tắm nằm, hạn chế việc phải bước ra bước vào

Sử dụng phòng tắm kính, vách ngăn kính để phân tách khu khô – ướt riêng biệt sẽ giúp không gian luôn được gọn gàng và khô ráo, tránh khả năng trơn trượt, hạn chế các tình huống không may xảy ra với người già. Bên cạnh đó, vào những ngày đông gió lạnh, phòng tắm kính còn có tác dụng cản gió lùa từ bên ngoài vào khu tắm, giúp giữ ấm và tránh đột quỵ, an toàn cho sức khỏe của người cao tuổi.

Tường, sàn phòng vệ sinh

Gạch lát nền nên lựa chọn loại có khả năng chống trơn tốt, độ ma sát cao. Như vậy, các loại gạch có bề mặt men nhám hoặc men định hình sẽ phù hợp với sàn phòng vệ sinh để hạn chế việc té ngã của người già. Ngoài ra, theo chuyên gia đến từ thương hiệu gạch Prime, hiện nay hãng đã đưa ra thị trường một số sản phẩm gạch ốp lát có bề mặt kháng khuẩn, mang lại một môi trường vệ sinh và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là người cao tuổi.

Gia chủ cũng nên sử dụng gạch ốp tường men Matt để tăng độ bám. Người cao tuổi khi chống, bám tay vào tường sẽ đỡ bị trơn, ngã.

Bên cạnh đó, tường và sàn trong phòng vệ sinh không nên chọn màu sắc quá lòe loẹt, họa tiết cầu kỳ dễ khiến người già bị rối mắt. Cần giữ cho tường và sàn luôn khô ráo, thoáng đãng để tránh trơn trượt.

Thiết bị vệ sinh

Bồn cầu

Những mẫu bồn cầu âm tường, có chiều cao từ mặt sàn lên bệ ngồi là 46cm, bệ ngồi tiếp xúc êm ái, cần gạt nước dài, thuận tiện sử dụng là các sản phẩm phù hợp đối với người cao tuổi. Một gợi ý khác đó chính là loại bồn cầu điện tử, bồn cầu thông minh… với những tính năng tự động hỗ trợ tối đa người già trong quá trình vệ sinh cá nhân.

Chiều cao lý tưởng khi lắp bồn cầu cho người cao tuổi là 46 cm và đảm bảo được gắn chắc chắn vào sàn hoặc tường

Chậu – vòi rửa mặt

Không nên lắp đặt chậu rửa mặt quá cao, khoảng cách từ sàn đến chậu rửa nằm trong khoảng từ 80 – 90cm là phù hợp nhất. 

Bồn rửa mặt cũng phải được lắp hợp lý

Các loại vòi chậu nên sử dụng tay gạt dễ cầm nắm hoặc có thể lựa chọn vòi chậu cảm ứng.

Hệ thống các thiết bị hỗ trợ người cao tuổi

Tay vịn

Thanh, tay vịn được lắp đặt để làm điểm tựa, hỗ trợ cho người già giữ thăng bằng tốt hơn. Theo các chuyên gia của Prime, bạn nên lắp thanh vịn ở khu vực bồn cầu, chậu rửa,… Các thanh vịn này cần chọn chất liệu tốt, chịu lực cao, lắp đặt ở độ cao 1.1 – 1.3m tính từ mặt sàn, để người cao tuổi có thể dễ dàng với tới và tựa vào.

Nên trang bị các thanh vịn để thuận tiện sinh hoạt cho người cao tuổi 

Hệ thống báo động

Tuy chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng đây là thiết bị rất cần thiết trong phòng vệ sinh dành cho người cao tuổi. Hệ thống báo động nên được lắp đặt ở vị trí dễ xảy ra tai nạn và gần vị trí mặt sàn để người già có thể nhấn gọi khi gặp sự cố. Hoặc bạn có thể cân nhắc sử dụng hệ thống báo động cảm biến tự động để kiểm soát tình hình chủ động hơn.

Thiết kế chuông báo động hoặc nút khẩn cấp để báo hiệu sự cố để dự trù những tình huống xấu nhất có thể xảy ra

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân té ngã, gây chấn thương cũng như những giải pháp khắc phục khi thiết kế phòng vệ sinh cho người cao tuổi. Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn cho ông bà, bố mẹ, các con cháu cũng cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ những tâm tư, khó khăn khi sử dụng phòng vệ sinh nói riêng và các khu vực khác trong nhà nói chung để kịp thời nắm bắt tình hình và có cách giải quyết hỗ trợ sinh hoạt cho ông bà, bố mẹ lớn tuổi.

YOUR COMMENT